TỔNG HỢP CÁC BỆNH VỀ MẮT THƯỜNG GẶP VÀO MÙA HÈ
Khi thời tiết thay đổi liên tục kèm theo nắng nóng kéo dài gây nên nhiều bệnh về mắt như: đau mắt đỏ, viêm kết mạc, khô mắt…Ở thời tiết nóng bức mùa hè là nguyên nhân gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe. Nhất là trong thời tiết oi bức và nhiệt độ tăng cao liên tục cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới đôi mắt của mỗi người.
Các bệnh thường quy hay gặp là Viêm kết giác mạc, viêm tắc lệ đạo, dị vật, đục thủy tinh thể…Bệnh cũng hay tập trung ở các đối tượng là người già và trẻ em. Có rất nhiều trường hợp do sự chủ quan của gia đình và để người bệnh ở nhà tự điều trị quá lâu dẫn đến bệnh nặng hơn, kéo dài thời gian điều trị hơn.
Xem thêm: Giữ Đôi Mắt Khoẻ Khi Đi Du Lịch Biển
1. Dị ứng mắt
Do sự gia tăng nhiệt độ và các tác nhân gây dị ứng trong không khí như bụi bẩn, phấn hoa có thể khiến mắt người bệnh dễ bị tổn thương. Một số triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng mắt là: Ngứa mắt, đỏ mắt, mắt có cảm giác nóng rát…
2. Lẹo mắt
Lẹo mắt thường do tụ cầu khuẩn hoặc vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây viêm nhiễm cấp tính. Khi lẹo mới mọc, mi mắt của người bệnh sẽ hơi sưng, hơi đỏ, kèm theo đó là ngứa và đau. Tiếp đó, chỗ đau nổi lên một khối rắn to như hạt gạo. Lẹo mắt thường mọc ở ngay bờ mi, dính chặt vào da mi. Sau khoảng 3 – 4 ngày, lẹo sẽ mưng mủ và vỡ. Lẹo mắt có đặc điểm là rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc 2 mi mắt, có khi sưng to cả mi mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp.
3. Hội chứng khô mắt
Hội chứng khô mắt xuất hiện ở tất cả các lứa tuổi, người mắc có cảm giác cay mắt, thậm chí bị buốt như kim châm, chói mắt, có các vệt sáng qua mắt thất thường, trào nước mắt, gây đau, xước giác mạc, chảy nước mắt, khô khốc.
Người bị hội chứng khô mắt sẽ luôn cảm thấy khó chịu trong mắt, giảm tập trung công việc, hay than phiền về bệnh tật, giảm năng suất lao động. Nếu không được điều trị, chăm sóc mắt đúng cách, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói mắt, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt…
Để phòng tránh, người dân cần tạo thành thói quen vệ sinh tay, mắt bằng nước sạch, cần ý thức rõ ràng làm sạch mắt là điều cần thiết, quan trọng để phòng bệnh. Khi bị bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day, dụi mắt. Hàng ngày làm sạch mắt bằng cách 6 – 8 tiếng/lần, nhỏ nước muối sinh lý hoặc tối thiểu là 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và tối.
4. Bệnh Viêm kết mạc
Bệnh này thường xảy ra phổ biến là đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng. Tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn như Chlamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục.
Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh viêm kết mạc là mắt đỏ, nhiều ghèn, khám lâm sàng nhú gai trên kết mạc sụn, thẩm lậu vùng rìa, ánh củng mạc mờ đục.
Mùa hè cũng dễ bùng phát dịch đau mắt đỏ do virus gây ra, lây lan rất nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra ghèn, cộm rát, nhìn mờ.
Chuyên gia khuyến nghị bị đau mắt đỏ, cần phải sơ cứu đầu tiên bằng cách dùng nước muối thường xuyên để làm sạch mắt hoặc dùng loại kháng sinh phổ rộng. Nếu 3-5 ngày không khỏi, người bệnh nên đến cơ sở y tế ban đầu nếu bệnh ở cấp độ thấp. Nếu mức độ nặng hơn có thể có biến chứng, bắt buộc phải chuyển tuyến y tế cao hơn như: bệnh viện chuyên khoa mắt, bệnh viện đa khoa v...v
Để phòng tránh dịch đau mắt đỏ, biện pháp tốt nhất là tránh xa khỏi nguồn gây bệnh. Cách phòng bệnh thụ động thứ hai là phải đeo khẩu trang, đeo kính, không nói chuyện với bệnh nhân ở khoảng cách khoảng 1m để giảm bớt nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên là cách phòng bệnh hiệu quả. Đặc biệt, khi có virus tình cờ bám vào mắt, việc dùng nước muối rửa trôi đi là an toàn nhất. Trong môi trường có người bị đau mắt đỏ, tốt nhất nên nhỏ nước muối khoảng 6 giờ/lần để loại bỏ virus lây bệnh.
5. Tăng nguy cơ đục thủy tinh thể do tiếp xúc nhiều với bức xạ tia cực tím
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiếp xúc với tia cực tím (UV) góp phần làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng ở mắt. Tồn thương ở mắt có thể là tức thời hoặc lâu dài sau khi hấp thụ tia UV có trong ánh nắng mặt trời.
Đối với kết mạc, giác mạc sự tiếp xúc với tia cực tím có cường độ quá mạnh có thể gây bỏng giác mạc với các triệu chứng như cộm, khó chịu, đỏ mắt, chói mắt, chảy nước mắt và tình trạng này thường sẽ đỡ đi sau 48 giờ.
Khi nhìn lâu hoặc trực tiếp vào mặt trời nhất là vào khoảng thời gian giữa trưa, có thể gây nên tình trạng bỏng võng mạc (viêm võng mạc do ánh nắng). Tình trạng này cũng thường thấy sau khi xem nhật thực mà không dùng kính bảo vệ mắt.
Xem thêm: 29 Điều Bạn Chưa Biết Về Mắt
6. Bị Dị vật bay vào mắt
Nắng nóng là thời điểm côn trùng sinh sôi, phát triển mạnh nên các trường hợp đau mắt (viêm kết mạc, viêm giác mạc) do côn trùng bay vào mắt cũng đang gia tăng.
Các tai nạn chủ yếu là côn trùng tiết túc (loại có dịch tiết, chân có đốt và sắc). Khi dụi, ngạnh ở chân sắc nhọn gây chấn thương mắt, sẽ gây đau đớn. Đốt chân gãy ra còn xiên thủng các mô mắt. Đặc biệt, khi bị day dụi, côn trùng sẽ tiết dịch (tương tự axit) khiến mắt cảm giác phải bỏng, rát, phù nề mi, sưng tấy.
Khi bị côn trùng, bụi hoặc nước bẩn bắn vào mắt, bạn có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, tránh day dụi mắt. Hàng ngày, chúng ta làm sạch mắt bằng cách 6-8 tiếng một lần, nhỏ nước muối sinh lý hoặc tối thiểu một ngày 2 lần vào buổi sáng và tối. Biện pháp này cũng rất hiệu quả trong phòng tránh bệnh khô mắt.
Lưu ý rằng, mỗi người nên sử dụng một lọ thuốc nhỏ mắt riêng, kể cả nước muối sinh lý để tránh lây chéo, nhiễm khuẩn các bệnh về mắt cho nhau.