Bệnh võng mạc trẻ sinh non

Bệnh võng mạc trẻ sinh non

 

Bệnh võng mạc trẻ đẻ non là gì

Bệnh võng mạc trẻ sinh non (Retinopathy Of Prematurity), viết tắt là ROP, là bệnh mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non hay nhẹ cân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì một tỷ lệ đáng kể sẽ có nguy cơ mù vĩnh viễn cả hai mắt. ROP được đánh giá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Tại Việt Nam, nhờ chương trình khám sàng lọc và điều trị ROP được triển khai từ năm 2001 đã phát hiện và điều trị kịp thời cho nhiều trẻ bị ROP. Hiện chương trình đã được mở rộng ra các thành phố lớn như Hải Phòng, Thái Nguyên, Ðà Nẵng, Huế,... bên cạnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Những trẻ nào cần khám mắt để phát hiện bệnh ROP?

Cân nặng lúc sinh dưới 1.800g hoặc tuổi thai dưới 34 tuần (7,5 tháng)

Cân nặng lúc sinh từ 1.800g trở lên nhưng bị ngạt khi sinh, nằm lồng ấp, thở oxy kéo dài, có những bệnh khác kèm theo và bác sĩ sơ sinh cho chỉ định khám mắt.

Cân nặng lúc sinh 1.800g trở lên và đa thai (sinh đôi,

sinh ba,…).

Làm sao để phát hiện ROP?

 

Ở giai đoạn sớm không thể phát hiện bệnh bằng mắt thường (nhìn bên ngoài mắt vẫn bình thường), khi đã biểu hiện ra bên ngoài là bệnh đã ở giai đoạn muộn không còn chữa được.

ROP cần được khám tầm soát sau khi trẻ sinh 4 tuần, hoặc sớm hơn

Bác sĩ mắt sẽ dùng máy đặc biệt cùng với một thấu kính hội tụ (đèn soi đáy mắt gián tiếp) để đánh giá và theo dõi trẻ.

Diễn tiến của bệnh ROP

Dựa vào mức độ tiến triển của Bệnh Võng mạc trẻ đẻ non người ta phân chia bệnh ra làm 5 giai đoạn với những đặc điểm tổn thương khác nhau:

Giai đoạn 1: Tổn thương Bệnh Võng mạc trẻ đẻ non đặc trưng bằng một đường ranh giới mỏng tương đối dẹt và có màu trắng, phân cách vùng võng mạc vô mạch (màu xám) ở phía trước với vùng võng mạc có mạch máu (màu vàng cam) ở phía sau. Các mạch máu đi đến đường ranh giới bị phân chia một cách bất thường và dừng lại ở phía sau đường ranh giới.

Giai đoạn 2: Đường ranh giới đã nhìn thấy rõ và phát triển khỏi bề mặt võng mạc, trở nên rộng và cao, tạo thành   một   đường   gờ   màu    trắng    hoặc    hồng. Mạch máu võng mạc có thể vượt khỏi bề mặt võng mạc tới tận đỉnh của đường gờ. Có thể thấy các búi mạch máu bất thường, rải rác sau đường gờ nhưng không dính vào đường gờ tạo ra hình ảnh giống như ngô rang (popcorn).

Giai đoạn 3: Tăng sinh sợi mạch ngoài võng mạc, mạch máu có thể xuất huyết. Từ bề mặt của đường gờ, tổ chức xơ mạch tăng sinh phát triển lan rộng ra phía sau theo bề mặt võng mạc hoặc phát triển ra trước, vuông góc với bình diện võng mạc vào trong buồng dịch kính. Đồng thời các mạch máu võng mạc ngay sau gờ xơ có sự tăng lên về kích thước và trở nên cương tụ hơn.

Giai đoạn 4: Bong võng mạc chưa hoàn toàn (hình 6). Khi tổ chức xơ phát triển mạnh vào trong buồng dịch kính sẽ gây co kéo vào võng mạc, làm cho một phần võng mạc bị bong ra khỏi thành nhãn cầu.

Dựa vào vị trí võng mạc bị bong người ta phân ra giai đoạn 4A và 4B:

Giai đoạn 4A là bong võng mạc còn khu trú, chưa lan tới vùng hoàng điểm, chức năng mắt có thể chưa bị tổn hại nhiều.

Giai đoạn 4B là bong võng mạc rộng hơn lan tới cả võng mạc vùng hoàng điểm, khi đó chức năng thị giác bị giảm đi một cách rõ rệt.

Giai đoạn 5: Bong  võng  mạc toàn  bộ do tổ chức xơ co kéo, võng mạc bị bong và cuộn lại có dạng hình phễu

Trẻ sinh càng nhẹ cân hoặc tuổi thai càng nhỏ thì nguy  cơ bị bệnh  ROP càng  cao.  Khi bị ROP, một trong  3 tình  huống  sau có thể xảy ra:

Bệnh nhẹ: tự lành, không cần điều trị gì

Bệnh trung bình: tự lành một phần, không cần điều trị, cần theo dõi lâu dài để tránh  biến chứng muộn về sau.

Bệnh nặng: cần phải  điều  trị kịp thời,  nếu không đa số sẽ gây mù vĩnh viễn.

Điều trị bệnh ROP

Hiện nay có hai phương pháp chính trong điều trị bệnh ROP, đó là tiêm thuốc nội nhãn và laser quang đông võng mạc. Tùy vào mức độ nặng của bệnh và vùng võng mạc có mạch máu phát triển đến sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp.

  • Laser quang đông
  • Tiêm thuốc nội nhãn: Bevacizumab

Trong bệnh võng mạc nặng ở trẻ non tháng, laser quang đông để cắt bỏ vùng võng mạc không mạch máu ở ngoại vi làm giảm tỷ lệ nếp gấp võng mạc và bong võng mạc.

Cần phải theo dõi sự mạch máu hóa võng mạc trong mỗi khoảng từ 1 đến 2 tuần cho đến khi các mạch máu trưởng thành đầy đủ.

Nếu bong võng mạc xuất hiện ở trẻ nhỏ, có thể xem xét phẫu thuật thắt củng mạc hoặc phẫu thuật cắt bỏ thủy tinh thể cùng với dịch kính, nhưng thủ thuật này là cứu cánh muộn với lợi ích thấp.

Bệnh nhân bị sẹo tồn dư lại nên được theo dõi ít nhất mỗi năm một lần. Điều trị nhược thị và tật khúc xạ trong năm đầu tiên sẽ tối ưu hóa thị lực.

Trẻ nhỏ có bong võng mạc toàn bộ cần được theo dõi để kiểm tra bệnh tăng nhãn áp thứ phát và mắt kém phát triển và được giới thiệu đến các chương trình can thiệp cho người khiếm thị.

Bevacizumab là một kháng thể đơn dòng của yếu tố chồng tăng sinh mạch máu nội mô (kháng VEGF) có thể ngăn sự tiến triển của ROP.

So với liệu pháp laser, Bevacizumab có tỷ lệ tái phát thấp hơn và ít bất thường về cấu trúc hơn.

Khi bệnh võng mạc đã tái diễn, nó tái phát vài tháng sau; cần phải theo dõi nhãn khoa dài hạn. Điều trị bệnh nặng có thể kết hợp tiêm thuốc nội nhãn với liệu pháp laser.

Cách nào để phòng cho trẻ không bị bệnh ?

  • Quản lý thai nghén tốt để hạn chế bị đẻ non.
  • Khi đã bị đẻ non, cân nặng thấp thì cần phải tuân thủ chế độ khám mắt cho bé.
  • Không chủ quan khi thấy mắt bé bề ngoài có vẻ bình thường.

Tóm lại

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là căn bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của trẻ sau này. Do đó, mẹ cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt hạn chế nguy cơ sinh non, và tiêm phòng đầy đủ những loại vắc xin cần thiết trước mang thai để không chỉ bảo vệ trẻ trước bệnh ROP, mà còn nhiều căn bệnh khác có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN

Lasik: 0949430015 Phaco: 0822949966